Quy trình tạo ra sản phẩm của Nhật Bản như thế nào?

Để vào được thị trường Nhật, một điều đương nhiên là doanh nghiệp Việt Nam phải tạo ra được sản phẩm có chất lượng mà người Nhật mong muốn. Từ lâu, hàng hóa “Made in Japan” luôn được thế giới mặc định công nhận là tốt và bền. Vậy đâu là những bí quyết quản lý chất lượng Nhật Bản? Và liệu ngành đồ gỗ có thể ứng dụng những bí quyết này như thế nào để tạo ra sản phẩm được người Nhật chấp nhận? Những câu hỏi này đã được ông Nishiyama – Giám đốc Công ty BSO Nhật Bản giải đáp rất chi tiết thông qua buổi nói chuyện tại văn phòng của HAWA.

Sự khác biệt giữa Nhật Bản và phương Tây

Một đặc tính nổi bật của người Nhật là khả năng làm việc theo nhóm và tính kỷ luật rất cao. Vì thế, họ đã kế thừa và phát triển xuất sắc việc sản xuất theo dây chuyền. Người Nhật đã phát minh ra bộ tiêu chuẩn 5S và quy trình cải tiến sản xuất Kaizen để hợp lý hóa và tối ưu hóa mọi công đoạn, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí, vừa nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm.

Khác với phương Tây, nơi mà mỗi một người thợ đều được huấn luyện để nắm vững mọi công đoạn tạo ra sản phẩm, mỗi công nhân Nhật lại chỉ tập trung vào những công đoạn nhất định để tạo được ra nhiều sản phẩm nhất trong một thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, nhược điểm của cách làm này là chất lượng đầu ra của công đoạn này có thể không đáp ứng được đầu vào của các công đoạn tiếp theo. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, họ đã làm ra các dụng cụ kiểm tra chất lượng sản phẩm. Chỉ cần áp sản phẩm vào dụng cụ này, người công nhân sẽ ngay lập tức biết được rằng sản phẩm của mình làm ra đạt hay không. Chúng được người Nhật sử dụng rất rộng rãi cho từng công đoạn sản xuất. Để xác định được một công ty có năng lực quản lý chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn hay không, cái người Nhật quan tâm đầu tiên sẽ chính là những dụng cụ này.

f:id:pocarivn:20171116125558j:plain

Triết lý về giá trị sản phẩm

Theo người Nhật, giá trị của một sản phẩm được kết tinh từ ba yếu tố: thiết kế, kỹ thuật gia công và chất lượng. Thiết kế phụ thuộc vào yếu tố thời đại và kỹ thuật gia công sẽ quyết định chất lượng sản phẩm. Không nên nhầm lẫn giữa kỹ thuật gia công và chất lượng, bởi kỹ thuật là phương tiện, còn chất lượng là mục đích phải đạt được. Người công nhân phải có được một nhận thức rõ ràng về chất lượng, mới có thể dùng kỹ thuật của mình học được làm ra được một sản phẩm đạt yêu cầu.

Triết lý quản lý chất lượng của người Nhật

Quản lý sản xuất được chia làm ba nhóm: quản lý chất lượng, quản lý công đoạn và quản lý giá thành. Trong quản lý chất lượng, việc quan trọng nhất chính là công tác đào tạo tại hiện trường. Việc này trước hết là để giúp cho người công nhân hiểu rõ sự khác biệt giữa một sản phẩm tốt và chưa tốt, từ đó giúp giảm đến mức tối thiểu sự không đồng đều về chất lượng. Các công ty Nhật thường xuyên có những buổi học thực tế để đưa ra những ví dụ về các sản phẩm đạt hay không đạt. Thậm chí ngay cả khi sản phẩm đã đạt rồi cũng không có nghĩa là sẽ không có những sản phẩm không tốt bị sản xuất ra. Vì thế công tác đào tạo này sẽ giúp cho người công nhân tìm ra nguyên nhân tại sao điều đó lại xảy ra, và cùng đề xuất các phương pháp cải tiến để tránh lặp lại các lỗi đó. Trong các nhà máy của Nhật thường xuyên có những buổi tập trung nhau lại để đánh giá sản phẩm của Nhật, có thể là một tiếng/ngày hoặc một buổi/tuần. Tuy nhiên, có một vấn đề khó được đặt ra là làm sao có thể nhận diện ra được sự không đồng đều về chất lượng của sản phẩm và nhận thức này phải tương đối đồng bộ từ người quản lý cấp cao nhất đến người sản xuất trực tiếp. Một trong những cách hay nhất để đạt được điều này là phải chịu khó làm việc với những khách hàng khó tính.