Doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư vào Asean

Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc ngày càng giảm mạnh, làn sóng đầu tư đang đổi hướng vào ASEAN.

f:id:pocarivn:20180316161714j:plain


 

Theo số liệu của Ngân hàng UOB (Singapore), từ cuối năm 2015 đến hết quý I năm 2016, lưu lượng tiền gửi của khách hàng Nhật Bản tại Ngân hàng UOB (Singapore) đã vượt trên 80% so với cả năm 2015. Điều này cho thấy “độ hot”  từ môi trường đầu tư ASEAN với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Sức hút của thị trường ASEAN với các nhà đầu tư Nhật Bản đến từ nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân do chịu  ảnh hưởng từ chính sách chuyển hướng đầu tư của chính phủ Nhật Bản còn có nhiều yếu tố khác như: thị trường kinh doanh Nhật Bản đang ngày càng bị hạn chế, tốc độ phát triển kinh tế chững lại, chi phí kinh doanh tăng cao, dân số già… Chính những nguyên nhân này đã thúc đẩy các công ty Nhật Bản chuyển sang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại khu vực ASEAN đầy tiềm năng

Tìm hiểu thêm: Sản phẩm từ Nhật và niềm tin người tiêu dùng Việt

Ông Trầm Đan Dương, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc đầu năm 2016 cũng nêu rõ, đầu tư Nhật Bản vào Trung Quốc sẽ giảm mạnh, có 4 nguyên nhân chủ yếu: thứ nhất, do những năm gần đây đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang tăng giá so với yên Nhật, làm tăng chi phí đầu tư , kéo theo giá thành sản phẩm Nhật Bản xuất đi từ Trung Quốc tăng cao. Nguyên nhân thứ hai, do nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển sang một giai đoạn mới, tốc độ tăng trưởng giảm dần, nhưng giá nhân công lao động, giá đất lại tăng mạnh, một số nhà đầu tư Nhật Bản e ngại môi trường phát triển trong tương lai tại Trung Quốc. Thứ ba, Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc tương đối sớm, đa số các Tập đoàn lớn của  Nhật Bản đều có cơ sở tại đây và đã đạt được không ít lợi ích kinh tế từ thị trường Trung Quốc. Đến giai đoạn này, những Tập đoàn lớn gần như chỉ tập trung vào nâng cao lợi ích kinh tế ở những cơ sở đã đầu tư mà ít quan tâm đến việc mở rộng quy mô đầu tư. Nguyên nhân thứ tư, do tình hình cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc khiến các nhà đầu tư Nhật Bản e ngại, tìm kiếm các thị trường đầu tư mới tiềm năng hơn.

Theo số liệu của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO),  2015 là năm thứ 3 liên tiếp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào ASEAN vượt đầu tư vào Trung Quốc và Hong Kong và tốc độ này đang ngày càng tăng lên. Ông Trương Chí Kiên, Trưởng bộ phận tư vấn đầu tư trực tiếp nước ngoài Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết “rất nhiều Tập đoàn lớn của Nhật Bản đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn của ASEAN”. Và không chỉ dừng lại ở các Công ty, Tập đoàn lớn mà xu thế này còn bao gồm những doanh nhiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản.

Năm 2015, đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN đạt 19,9 tỉ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản và tăng gần gấp 3 lần so với 5 năm trước. Dòng đầu tư này chủ yếu tập trung ở các nước như Singapore (32.6%), Thái Lan (18.0%), Indonesia (17.8%) và Malaysia (14.1%).

“Các thị trường ASEAN rất hấp dẫn, theo góc nhìn của Nhật Bản”, Ma Tieying – nhà kinh tế học tại DBS Group Holdings nhận xét trên Bloomberg, “đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, thị trường ASEAN vô cùng hấp dẫn. Do có rất nhiều nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng tốt, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người thấp”. Sự cởi mở của các thị trường trong khu vực này, cùng chi phí lao động thấp cũng là các yếu tố hấp dẫn.

Chuyên gia phân tích chứng khoán của công ty Nomura Securities cho biết “thị trường ASEAN là thị trường phù hợp nhất với doanh nghiệp Nhật Bản, quan hệ chính trị tương đối tốt, nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh, vị trí địa lý cũng rất gần với Nhật Bản”.

Số liệu của Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết, ngoài lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư thường là sản xuất ô tô, xe máy, thực phẩm – đồ uống, điện tử, công nghệ thông tin và các dịch vụ chuyên nghiệp…