Những cách hạn chế tác hại của rượu bia

Ai cũng biết uống rượu, bia quá liều lượng cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm luật giao thông, tuy nhiên, ở nhiều địa phương chưa có các biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này. Nhất là vào những tháng cuối năm, khi số lượng đình đám, tiệc tùng tăng đột biến thì số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cũng gia tăng.

Theo con số thống kê chỉ trong 1 xã của tỉnh Nam Định, tính từ đầu năm đến nay, đã xử lý 130 vụ vi phạm luật ATGT đường bộ. Trong đó, nhiều vi phạm do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia và say rượu. Khảo sát ở một số địa phương thuộc địa bàn tỉnh Nam Ðịnh, khẩu phần rượu trong một  mâm cỗ dành cho sáu người là một chai rượu 0,5 lít. Thế nhưng trên thực tế có trên 80% số mâm đàn ông uống gấp hai đến ba lần số lượng này.

f:id:pocarivn:20180308105924j:plain

Một số người có những quan điểm lệch lạc coi việc uống rượu thể hiện tình cảm với nhau. Trong những cuộc vui này, ai chưa say bị coi là không nhiệt tình, là không tôn trọng chủ nhà... Vì thế trong các bữa nhậu dù là người có tửu lượng khá hay kém đều cố uống cho thật nhiều để không mang tiếng là "phụ lòng anh em, bạn bè". Do đó, chạy xe tốc độ cao, phán đoán, xử lý sai tình huống, không làm chủ tay lái là những hành vi thường thấy đối với người quá chén khi tham gia giao thông.

Tìm hiểu thêm: Những cách giải rượu bia nhanh hiệu quả

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong công tác quản lý trật tự ATGT tại địa phương, ông Phạm Ðức Thành, Trưởng Công an xã Giao Thịnh cho biết: Tình trạng say rượu, bia gây tai nạn và va quyệt giao thông thì ở địa phương nào cũng có. Chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người dân khi tham gia giao thông hạn chế sử dụng rượu, bia. Nhất là cuối năm, xã gửi công văn tới từng thôn, xóm vận động nhân dân hạn chế tổ chức tiệc tùng lãng phí. Ðối với gia đình có đám cưới, hỏi, chúng tôi cũng cử cán bộ xuống tận nơi nhắc nhở hạn chế sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, các biện pháp xử phạt mang tính chất răn đe đối với những đối tượng cố tình vi phạm thì còn hạn chế. Ở địa phương, lực lượng cán bộ mỏng, chưa có các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ như máy kiểm tra nồng độ cồn, nên nhiều khi cũng châm chước xử lý vi phạm còn nhẹ.

Uống rượu, bia, từ thú ẩm thực đến tai họa là một khoảng cách mong manh. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tới từng người dân. Bên cạnh đó, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm cũng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông. Cần tổ chức kiểm tra, đánh giá thực chất mức độ vi phạm và tác hại do uống rượu, bia trên các tuyến đường, đoạn đường, thời điểm và đối tượng vi phạm nhiều nhất. Trên cơ sở đó, có kế hoạch, nội dung giáo dục, thuyết phục đúng đối tượng và xây dựng chương trình kiểm tra, xử phạt thường xuyên các lỗi vi phạm. Cả người thi hành công vụ và người tham gia giao thông cần "tâp dượt" thói quen kiên quyết xử phạt và chấp nhận bị xử phạt trong trường hợp sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép, để bảo đảm kỷ cương giao thông cũng như sự nghiêm minh của pháp luật. Coi xử phạt là một cách giáo dục hiệu quả đồng thời cũng góp phần tích cực thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, không uống hoặc uống vừa phải để bảo đảm an toàn cho bản thân và người chung quanh...